Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Cần biết về sơ cứu trong Hội thao

1/ Say nắng:
Theo tin khí tượng, miền nam đang vào mùa nắng nóng (cục bộ - nơi có nơi không - khi có khi không...) nhiệt độ trong ngày từ 34 - 37 độ.

"
Quang Trung nắng cháy da người" đã nổi danh từ trước 1975 qua một bài hát mà chắc nhiều bạn còn nhớ. Tuy nhiên với hàng ngàn cây xanh và hàng chục ngàn m2 thảm cỏ, nhiều tòa nhà cao tầng... nắng Quang Trung công viên bây giờ chắc chắn "dịu" hơn rất nhiều nắng Quang Trung quân trường ngày xưa.

Bóng đá
là môn duy nhất tiếp xúc thường trực với nắng gió Quang Trung nhưng qua 6 lần hội thao, chúng tôi chưa ghi nhận được trường hợp nào bị say nắng (cả VĐV lẫn CĐV...)

Tuy nhiên, biết cách phòng "né" nắng để khỏi... say và biết cách "giải say" cũng là cần thiết:

Trước một trường hợp bị say nắng, ngay tại chỗ chúng ta cần phải xử trí như sau:
Trường hợp nhẹ, cần nhanh chóng đưa "người say" vào chỗ mát, thoáng gió, nới hết quần áo, bỏ tất cả những thứ gì cản trở cho sự hô hấp, tuần hoàn. Lấy khăn to nhúng nước lạnh, vắt ráo rồi lau khắp cơ thể, đắp khăn mát lên trán, cho uống nước chè đường, nước bột sắn dây, nước chanh quả, quạt nhẹ. Điều cần chú ý là phải để "người say" nằm nghỉ, không nên thấy bạn ấy "tỉnh lại" đã dễ chịu lại để tiếp tục ra nắng, rất dễ bị "xỉn" nắng lại và lần sau sẽ nặng hơn lần trước.

2/ Ngất xỉu:
Chỉ có 1 trường hợp 1 bạn nữ sau khi hoàn thành 2.000m Việt dã đã ngất nhẹ ở hội thao năm ngoái.
Khi gặp một trường hợp ngất, chúng ta phải biết xử trí ban đầu kịp thời như:
- Đỡ bạn trước khi bị té ngã.
- Đặt bạn ở tư thế đầu thấp hơn chân để làm tăng lượng máu lên não. Nếu bạn không thể nằm, ta có thể đặt ngồi xuống và đưa người ra trước, để đầu ở giữa hai đầu gối.
- Nới lỏng quần áo trên cơ thể và đưa đến nơi thoáng, nhiều oxy.
- Lưu ý: không nên vỗ hay lắc bạn, không cho ăn hoặc uống bất cứ thứ gì kể cả nước để tránh trường hợp bạn ngạt thở.
- Tình trạng bạn không hồi tỉnh hoặc ngất xỉu trở lại nên đưa đến trạm y tế gần nhất.
- Có thể xử trí ngất bằng cách tác động vào huyệt nhân trung. Huyệt này nằm ngay dưới gốc mũi, ở vị trí 1/3 trên của rãnh nhân trung. Cần khẩn trương bấm huyệt ngay sau khi người bị có biểu hiện ngất nhằm giúp họ thoát khỏi tình trạng này càng nhanh càng tốt.
Lấy đầu ngón tay cái bấm vuông góc vào huyệt vị hoặc dùng một vật có đầu nhọn (như đầu bút bi, bút chì) ấn mạnh vào huyệt. Cần bấm nhanh, mạnh, dứt khoát.
3/ Chấn thương:
Vẫn thường xảy ra hàng năm đối với các đội bóng đá, tuy không nhiều và không đến mức phải đi bệnh viện.
Với chấn thương phần mềm, việc xử lý ban đầu đúng cách là rất cần thiết, giúp chỗ tổn thương ổn định và mau lành. Việc sơ cứu gồm 4 bước:

Nghỉ ngơi:
ngay sau khi bị chấn thương, cần ngưng ngay thi đấu. Có thể giữ vùng bị thương bằng nẹp cố định.

Chườm lạnh:
Mục đích để phòng ngừa biến chứng, không gây tụ máu hay chảy máu. Dùng túi đá ướp chườm lạnh ngay tại chỗ 10-15 phút, mỗi lần cách nhau khoảng 1 giờ, lặp lại nhiều lần.

Băng ép:
Mục đích là làm giảm chảy máu, sưng bầm và đau nhức. Dùng băng thun quấn ép dưới vùng tổn thương, những vòng đầu phải quấn chặt, sau đó lỏng dần.

Kê cao vùng bị thương:
Giúp máu trở về tim tốt hơn; làm giảm sưng, đau và viêm.

Khi bị chấn thương, có thể dùng thuốc giảm đau, nhưng tuyệt đối không nên xoa các loại dầu nóng.
Nhiều người làm vậy vì lầm tưởng loại thuốc mà các vận động viên được xịt khi bị chấn thương là dầu nóng. Thực ra, đó là một loại khí lạnh dễ bốc hơi, có công dụng giống như chườm lạnh.

Khi bị chấn thương, không được chườm nóng hoặc xoa bóp.
Việc chườm nóng khiến máu chảy nhiều hơn, còn xoa bóp lại khiến các dây chằng bị xơ chai, mất đi độ đàn hồi. Chúng sẽ trở nên yếu hơn và dễ chấn thương trở lại khi có những cử động hơi mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét